Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa song thức
bạc 白
◎ Nôm: 泊 / 薄 âm Việt hoá của bạch. AHV: bạch. Bak [Schuessler 1988: 153]. Ss đối ứng bak, pak (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 174]. x. bạch tuyết. Như vậy, thế kỷ XV đã có song thức ngữ âm bạch - bạc. x. đen bạc.
tt. <từ cổ> trắng. Chân chăng lọt đến cửa vương hầu, ấy tuổi nào thay đã bạc đầu. (Mạn thuật 30.2)‖ (Mạn thuật 36.5)‖ (Trần tình 43.4)‖ Bạc mai vàng cúc. (Thuật hứng 49.8, 50.3)‖ (Tự thán 75.7)‖ Vô tâm, đìa có trăng bạc, Đắc Thú, kho đầy gió thanh. (Tự thán 78.3, 99.5, 101.5)‖ (Tự thuật 112.5, 113.4, 120.8)‖ Ai thấy rằng cười là thế thái, ghê thay biến bạc làm đen. (Tức sự 124.8)‖ (Bảo kính 129.3, 140.3157.5, 164.4, 165.4, 169.5)‖ x. Khinh bạc (Bảo kính 178.4)‖ (Tích cảnh thi 202.3, 202.4, 203.3)‖ (Lão hạc 248.5)‖ (Thái cầu 253.5).
tt. <từ cổ> sáng trắng, rất sáng. Vô tâm, đìa có trăng bạc, Đắc Thú, kho đầy gió thanh. (Tự thán 77.3)‖ (Bảo kính 153.4).
tt. bạc bẽo. Khổ trúc chăng ưa lòng khách bạc, lão mai sá học nết người thanh. (Tự thán 86.3).
dt. trong vàng bạc. Vàng bạc nhà chăng có mỗ phân, lành thay cơm cám được no ăn. (Trần tình 38.1).
dìn 認
◎ Nôm: 認 Đọc âm Việt hoá, AHV: nhận, nghĩa gốc: “thức nhận” [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 3980], trong nhận biết, nhìn nhận. Dẫn thân sang nghĩa “nhìn” ở tiếng Việt, lưu tích nhận mặt (= nhìn mặt), nhận dạng (nhìn dáng), nhận họ. “Dìn: cắm mắt vào. Dìn ai: nhận biết ai. Chảng dìn tôi: nó khinh tôi. nhìn: cùng một nghĩa.” [Rhodes 1651 tb1994: 76]. Thế kỷ 17 đã có song thức ngữ âm, nhưng d- phổ biến hơn.
đgt. <từ cổ> thấy. Non tây bóng ác đã măng tằng, dìn đỉnh tùng thu vãng chừng. (Tự thán 98.2, 102.6)‖ (Tự thuật 112.8)‖ (Tức sự 123.3)‖ (Tảo xuân 193.2)‖ (Tùng 220.3).
giá 這
◎ Ss đối ứng ca⁵, ca³ (23 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 262]. Ngữ tố xuất hiện trong câu thơ sáu chữ. Kiểu tái lập cho thế kỷ XV: *kca⁵. Xét, giá (*kc-) chuẩn đối với “già” (*kc-) và “trăng” (*bl-). Với vị trí 134.3, chứng tỏ thế kỷ XV đã có song thức ngữ âm.
tt. lạnh. Càng khuở già càng cốt cách, một phen giá một tinh thần. (mai 214.6).
dt. sương đóng váng mỏng. Đường tuyết thông còn Giá in, đã sai én ngọc lại, cho dìn. (Tảo xuân 193.1) . x. lạnh.
dt. băng tuyết, dùng để dịch chữ “băng”. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.5).
gày 𤷍
◎ Kiểu tái lập: *?gaj² (*a- gày). ở vị trí 1.4, ngữ tố này chuẩn đối với “trốn”, cả hai có thể đều được song tiết hoá thành “*a- gày” và “*tơ- rốn”. ở vị trí 15.2 thì câu thơ đã đủ bảy chữ. Chứng tỏ giai đoạn thế kỷ XV, đã có song thức ngữ âm. Thế kỷ XII, ngữ tố này được ghi bằng chữ Nôm e1 阿計 [Phật Thuyết: 21a9; xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115; Shimizu Masaaki 2002: 768].
tt. trái với béo. (Thủ vĩ ngâm 1.4)‖ Bề sáu mươi dư tám chín thu, lưng gày da sảy, tướng lù cù. (Ngôn chí 15.2).
gẫm 吟 / 𡄎
◎ Nghiệm 騐 / 驗, niệm 念, nẫm 稔, nhẫm 恁 đều là các đồng nguyên tự, với nghĩa “suy nghĩ, ngẫm nghĩ”. [Vương Lực 1982: 609; Schuessler 2007: 400]. Mối quan hệ ngữ âm k - ng - n - g còn thấy trong thanh phù niệm 念, mà niệm lại có thanh phù gốc là câm 今. Lưu tích thấy qua mối tương ứng trong tiếng Việt: ngẫm - gẫmngẫm ngọt. ”những song thức có ng - g: ngáy - gáy, ngắt - gắt, con nghẹ - con ghẹ, nghiện - ghiền, ngẫm - gẫm, nghé mắt - ghé mắt”. [NT Cẩn 1997: 32], ghếch (mắt) - nghếch mắt, ghiền (thuốc) - nghiện, gước (mắt) -ngước, gang - ngang (nói) [NN San 2003b: 197].
đgt. gẫm. Sách Thuyết Văn ghi: “Niệm là luôn nghĩ vậy” (念,常思也). Văn này gẫm thấy mới thon von, thương hải hay khao, thiết thạch mòn. (Thuật hứng 49.1)‖ (Tự thán 87.1)‖ (Bảo kính 147.7, 182.4, 182.8)‖ (Trúc thi 223.4)‖ (Lão hạc 248.1).
gặp 及
◎ Nôm: 趿 AHV: cập âm HTC: g(r)jip [Baxter 1992: 558]. Còn có âm đồng nguyên nữa là kịp. Xét, trong số 7 lần xuất hiện, “gặp” 5 lần ở câu sáu chữ, 2 lần ở câu đủ bảy chữ. Như vậy, thế kỷ XV có song thức ngữ âm. Kiểu tái lập: *?gap⁶ (*a- gặp). x. gầy, x. gánh. Ss đối ứng kăp, kʼăp, ɤăp (23 thổ ngữ Mường), tol, dol, don (5 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 221]. Như vậy, “gặp” gốc Hán, “tới” gốc Việt-Mường. .x tới.
đgt. <từ cổ> tìm thấy. Thiên Thai hái thuốc duyên gặp, Vị Thuỷ gieo câu tuổi già. (Thuật hứng 54.5).
đgt. vào lúc mà có được, vào dịp mà thấy được, đến khi, đến lúc, dịch chữ cập kỳ 及期. Từ ngày gặp hội phong vân, bổ báo chưa hề đặng mỗ phân. (Trần tình 37.1)‖ (Tự thán 99.1)‖ (Bảo kính 135.7)‖ Gặp tiết lương thần. (Vãn xuân 195.1)‖ Gặp xuân. (Đào hoa thi 230.4).
lánh 掙
◎ Nôm: 另 Đây là từ gốc Hán, “tránh 掙: dùng sức mà lột bỏ ra được gọi là tránh thoát 掙侻” [Đặng Thế Kiệt; Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 1874 - 1875]. Thuỷ hử truyện có câu: “trịnh đồ tránh không được, bèn hạ dao sang một bên” (鄭屠掙不起來,那把尖刀也丢在一邊). AHV: lánh. Kiểu tái lập: *tlánh. “tlánh: tránh né. tlánh cho khỏi: anh hãy lui ra.” [Rhodes 1651 tb1994: 231]. “Lánh: trốn tránh. Lánh mềnh: lánh khỏi, thoát thân. tlánh: cùng một nghĩa” [Rhodes 1651 tb1994: 133]. Ở thế kỷ XVII, tồn tại song thức ngữ âm. Thuỷ âm kép tl- là kiểu Việt hoá [TT Dương 2013b].
đgt. thoát khỏi (chốn cạm bẫy, quan trường,…). (Ngôn chí 2.2, 17.1)‖ (Mạn thuật 29.2)‖ (Bảo kính 154.2, 159.2)‖ Vũ Tử lui tuy chịu dại, Bá Di lánh mới nên thanh. (Bảo kính 166.6). tránh.
đgt. tránh, né (cái gì). Lánh trần náu thú sơn lâm, lá thông đàn, tiếng trúc cầm. (Thuật hứng 70.1), dịch chữ tị thế 避世‖ (Tự thán 91.4).
lầm 林
◎ Và 𪩦 (cự 巨+ lâm 林). Chữ cự báo hiệu đọc chỉnh tổ hợp phụ âm đầu. Kiểu tái lập: *klam [Gaston 1967: 62; TT Dương 2012a]. Thế kỷ XVII có song thức ngữ âm là mlầm, mnhầm [Rhodes 1651 tb1994: 149]. Nay có song thức ngữ âm là lầm, nhầm.
tt. không đúng, không trúng. Chúa ràn nẻo khỏi tan con nghé, hòn đất hầu lầm, mất cái chim. (Bảo kính 150.6)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.2).
lửa 焒
Phng. Bình Trị Thiên đọc là lả [VX Trang 1997: 248], hoặc (trong thắp lá) [NN Ý 2001: 273]. ở thế kỷ XV, ngữ tố trên tồn tại song thức ngữ âm là *a-lảlả. Kiểu tái lập: *hla³ [TT Dương 2013b]. x. rỡ.
dt. trái với nước. Ngọc lành nào có tơ vện, vàng thật âu chi lửa thiêu (Tự thuật 116.4)‖ (Bảo kính 151.5).
ngược 逆
◎ Nôm: 䖈 âm HTC: ŋjak (Lý Phương Quế, Baxter), ŋiak (Vương Lực). Tiếng Việt còn bảo lưu song thức: ngỗ nghịch = ngỗ ngược. Trung ngôn nghịch nhĩ: lời trung trái tai.
đgt. trái với xuôi. Nước xuôi nước ngược nổi đòi triều, thuyền khách chơi thu các lướt chèo (Tự thán 101.1).
quãng 曠
◎ Nôm: 曠 AHV: khoáng (rộng). Khoáng dã: đồng rộng (Kinh Thi) [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1999: 1539-1540]. “quãng, rọũ: rộng lớn. gếy quãng: giấy rộng khổ. quãng khôũ: quãng không, chính không khí” [Rhodes 1651 tb1994: 185]. Cứ liệu trên cho thấy, ở thế kỷ XVII đã có song thức ngữ âm của ngữ tố này, nhưng “quãng” phổ biến hơn “rộng”. Xét, các thuỷ âm r- và k- của hai biến thể, cho phép tái lập thuỷ âm kép *kʰl- của ngữ tố này vào thế kỷ XV. Kiểu tái lập: *kʰlwoŋ. Quá trình Việt hoá như sau: khoáng > *kʰlwoŋ > quãng/ rộng (rọũ). [TT Dương 2013c].
tt. trái với hẹp (trỏ không gian). Song viết có nhiều dân có khó, cửa nhà càng quãng thế càng phiền. (Bảo kính 143.4), phiên khác: thoáng (TVG) ‖ Rừng Nho quãng, nấn ngàn im, hột cải tình cờ được mũi kim. (Bảo kính 150.1).
tt. (bóng, trỏ tính cách hay lối sống) hoang phí, rộng rãi, phóng khoáng. Có của cho người nên quãng miệng. (Bảo kính 171.5) câu này ý nói có của cho người khác thì sẽ có lúc người khác lại cho mình, sống rộng rãi thì không lo chết đói, lúc khó khăn cũng sẽ có người giúp mình. Xa hoa ở quãng nên khó, tranh cạnh làm hờn bởi tham. (Bảo kính 174.5).
trai 𱰼
◎ Thế kỷ XVII, Rhodes cho thấy các song thức đều có thuỷ âm kép là: “blai, tốt blai, blai hay là gái” [1994: 39] và tlai, con tlai [1994: 230]. So sánh với các đối ứng klai (Thạch Bi, Mường), plai (Pọng), kèlâ (Brou), Gaston tái lập là *tlai [1967: 54]. Kiểu tái lập: *blai¹/ *tlai¹/ *klai¹> trai/ giai [TT Dương 2013b].
dt. đàn ông con trai. Thế sự trai yêu thiếp mọn, nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.5).
chồng 重
AHV: trùng. Chữ “trùng” trong Hán văn nghĩa là “làm cho tăng thêm” (động từ), như “thế là làm tăng thêm sự bất đức của ta” (是重吾不德也) [Hán thư]. Có khi còn là lượng từ với nghĩa “tầng, lớp, chồng”, như câu “Chung Sơn chỉ cách mấy lớp núi” (鍾山只隔數重山) [Vương An Thạch]. Tiếng Việt còn bảo lưu âm “chồng” với tư cách lượng từ và động từ, ví dụ “chồng một chồng sách”. Ngoài ra còn song thức: trập trùng / chập chồng. Xét, trập / chập gốc Việt, trùng / chồng gốc Hán. Âm HTC: *drjuŋ (Lý Phương Quế), *drjoŋ (Baxter).x. trập. Tương ứng ch- (HHV) tr- (AHV): chiềng trình呈, (che) chắn trấn鎮, chìm trầm沈, chầy trì遲, chay trai齋, (dính) chấu trảo (nha)爪 [An Chi 2005 T2: 355].
đgt. đắp lên trên tiếp. Nước càng tuôn đến bể càng cả, Đất một chồng thêm núi một cao. (Tự thuật 122.4).